Ông Quý “đài” tên thật là Ngô Văn Quý, sinh năm 1958, từng là phát thanh viên cho Công ty Cổ phần Pin Ắc quy Vĩnh Phú khi ông còn là công nhân của nhà máy này. Đến năm 2009, sau khi hệ thống đài truyền thanh của thị trấn Hùng Sơn được lắp đặt, đi vào hoạt động, ông Quý mới thực sự “bén duyên” với nghề truyền thanh.

Một buổi tác nghiệp của ông Quý “đài”
Sinh ra và lớn lên hơn nửa đời người ở thị trấn này, nết ăn, nết ở của người dân Hùng Sơn ngấm sâu trong máu thịt, giọng nói của ông Quý “đài” đầy hào sảng, phóng khoáng. Người ta dễ có thiện cảm bởi chiếc lúm đồng tiền “rất duyên”, cách trò chuyện tự nhiên, sôi nổi khi tiếp xúc với ông. Còn khi nghe những bản tin ông Quý “đài” đọc, người ta sẽ thích thú bởi sự nhiệt thành, gần gũi, thân thiện, linh hoạt, đầy hấp dẫn mà ông mang lại. Chưa từng được đào tạo bài bản qua trường lớp nào, nhưng bằng tình yêu và sự nỗ lực không ngừng học hỏi của mình, ông Quý “đài” đã giúp đài truyền thanh cơ sở trở thành “cánh tay” nối dài của Đảng, là “người bạn” thân quen của người dân thị trấn Hùng Sơn. Anh Hải (45 tuổi, khu 3) - Một thính giả quen thuộc của đài truyền thanh thị trấn cho biết: “Tôi phải cảm ơn anh Quý vì qua giọng đọc của anh mà những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các kế hoạch, thành tựu của địa phương trở nên dễ hiểu, dễ nhớ. Không những thế, anh Quý còn giúp chúng tôi thưởng thức những bài thơ rất hay, giàu cảm xúc của các hội viên trong Câu Lạc bộ Văn học nghệ thuật thị trấn đã được tuyển chọn xuất bản. Qua đó, giúp bà con chúng tôi thêm yêu mến và tự hào về quê hương mình”.
Xác định rõ nhiệm vụ của một người làm truyền thanh cơ sở, ngoài việc đảm bảo khung giờ tiếp âm, tiếp sóng 4 cấp theo quy định, ông Quý vẫn đều đặn duy trì 2 chương trình/ tuần với các nội dung, thông tin tự sản xuất phong phú, hấp dẫn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương. Với một người đảm nhiệm “4 việc” của đài, vừa là phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên kiêm phát thanh viên, điều đó khẳng định sự nỗ lực không nhỏ của ông Quý. Ngoài việc đảm bảo chất lượng nội dung thông tin, giọng nói được ông Quý xác định là yếu tố quan trọng nhất trong phát thanh và cũng là yếu tố để chứa đựng cảm xúc thu hút, hấp dẫn người nghe. Ông Quý “đài” đãbày tỏ tình yêu, sự trân trọng với ngôn ngữ dân tộc bằng cách làm nó đẹp hơn, có sức lay động hơn thể hiện qua giọng nói của mình. Khi đọc một bản tin, ông Quý chú ý đến nghĩa của từ, diễn đạt sao cho chuyển tải được những nội hàm, ý tứ, cảm xúc của từ; làm tăng thêm thông điệp của văn bản bằng cách ngắt, nghỉ đúng văn phạm theo các ký tự: “hai chấm”, “chấm phẩy, “ba chấm”, “chấm than”. Bên cạnh đó, ông còn đặc biệt chú ý đến thuộc tính “đa thanh điệu” trong tiếng Việt, đó là các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Bởi theo ông Quý, tính chất “địa phương” thể hiện rõ nét qua thanh điệu, trong một số trường hợp cần giữ nguyên bản sắc vùng miền, nhưng trong một số trường hợp khác, không phát âm chuẩn các thanh điệu sẽ chuyển tải sai ý tưởng, sai lệch bản chất của văn bản. Và đúng như nhận xét đầy yêu mến của người dân nơi đây, mỗi khi tiếng loa truyền thanh thị trấn được bật lên, người ta thấy độ vang, khỏe khoắn nhưng vẫn có độ truyền cảm với âm vực chuẩn trong thể hiện ngôn ngữ và cũng đầy gần gũi, thân quen qua giọng đọc ông Quý “đài”. Một tấm gương “người tốt, việc tốt” qua giọng đọc của ông Quý khiến người nghe thêm trân trọng. Phong trào “thi đua yêu nước” được ông Quý thể hiện trên sóng truyền thanh khiến người ta phấn khởi, hăng hái thi đua. Hay một bài thơ về thị trấn được ông Quý nhấn nhá, ngâm nga khiến người nghe thêm xúc động, tự hào, yêu mến quê hương.
Nhớ về những ngày đầu làm truyền thanh, ông Quý không có kinh nghiệm trong việc đọc phát thanh, cứ cố đọc thật to, đọc thật nhanh cộng với việc chưa thạo việc điều chỉnh âm lượng, xoay loa, chuyển hướng loa nên thường bị bà con phàn nàn vì loa truyền thanh to quá, “chói” quá. Để khắc phục hạn chế trên, ông thường lắng nghe, tiếp thu ý kiến của mọi người, sửa đổi cách đọc, âm vực phù hợp dần để trở thành ông Quý “đài” có giọng đọc khỏe khoắn, truyền cảm như ngày nay.
Chia sẻ với tôi, ông Quý không giấu nổi xúc động: Niềm vui lớn nhất của người làm truyền thanh như ông là được dân “kiện” đòi phải thay loa truyền thanh ngay khi bị hỏng bởi với họ một ngày không được nghe giọng nói của ông trên loa là một ngày thiêu thiếu món ngon. Cũng bởi lẽ ấy, mà trừ khi ốm nặng, ông Quý mới dám nghỉ đài một vài ngày. Năm 2013, khi được sự đồng ý của UBND thị trấn đầu tư, đảm bảo những trang thiết bị cần thiết cho hoạt động truyền thanh, ông Quý là người vui nhất. 16 khu dân cư trải rộng với đủ loại địa hình của thị trấn, nhưng ông Quý tự hào chưa để khu nào phải vắng loa, hỏng loa quá hai ngày. Dù chưa có bàn trộn vi tính, máy in riêng, trong căn phòng nhỏ, ông Quý vẫn vui vẻ, cần mẫn viết tin, biên tập trên chiếc bàn cũ, thu âm, ghi âm bằng đài cát - sét, nối băng, chỉnh băng tạo ra những bản tin chất lượng phục vụ nhân dân. Nhiều khi chương trình chạy theo sự kiện, không có máy tính để biên tập, chỉ có bản viết tay viết láu, ông Quý cũng phải căng thẳng để luận và đọc cho đúng, nhất là đối với các quan điểm chỉ đạo của cấp trên. Thế nhưng, ông Quý chưa một lời than vãn, kêu ca bởi ông tâm niệm: Thị trấn còn nhiều khó khăn nhưng loa đã đến được đầy đủ các khu dân cư thì người làm truyền thanh như ông phải biết chia sẻ, nỗ lực và cố gắng.
Ngoài công việc ở đài truyền thanh thị trấn, ông Quý còn được tín nhiệm giữ chức Bí thư, Trưởng Ban công tác mặt trận khu. Phụ trách công tác hòa giải ở khu, ông chưa chịu thất bại bao giờ. Cũng bởi có chất giọng tốt, ông cũng thường được huyện và thị trấn mời làm bình luận viên các trận bóng đá, bóng chuyền của địa phương. Thế nhưng, khi nói về bản thân, ông Quý khiêm tốn, tự nhận mình chỉ có giọng đọc dễ nghe, rõ ràng, mạch lạc, chuẩn chính tả. Nhìn hai tấm bằng khen giải Nhất và giải Ba của cuộc thi Liên hoan Phát thanh - Truyền hình tỉnh năm 2011, 2013 treo trang trọng trên tường, ông Quý tự nhắc nhở mình phải không ngừng rèn luyện nhiều hơn nữa để truyền tải trọn vẹn hàm lượng thông tin và hàm lượng cảm xúc trong mỗi chương trình đến khán, thính giả, đúng với tâm niệm của mỗi người làm báo “Đúng - Trúng - Hay”!
Thùy Linh