
Trụ sở Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ
Địa chỉ: Số 392 – Đường Nguyễn Tất Thành – Phường Tân Dân – Thành phố Việt Trì – Tỉnh Phú Thọ.
Điện thoại: 0210.3811486
Fax: 0210.3811485
Email: sotttt@phutho.gov.vn
Sở Bưu chính - Viễn thông nay là Sở Thông tin và Truyền thông được thành lập trong bối cảnh công nghệ thông tin và truyền thông đang có những bước phát triển vượt bậc. Xu hướng hội tụ công nghệ, dịch vụ và hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện đòi hỏi công tác quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông không chỉ chú trọng đến việc xây dựng cơ chế, chính sách, luật pháp, mà còn phải tăng cường nhiệm vụ thực thi pháp luật nhằm bảo đảm cho hoạt động thông tin và truyền thông phát triển bền vững.
Ra đời trong bối cảnh đó, việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Sở Thông tin và Truyền thông những ngày đầu gặp rất nhiều khó khăn. Song, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông; sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm, vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành, Sở Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao; từng bước khẳng định rõ nét vai trò, vị trí của ngành trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; góp phần quan trọng trong việc đảm bảo thông tin liên lạc, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhu cầu thông tin của tổ chức, công dân.
Quá trình 10 năm xây dựng và phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ được thể hiện qua những dấu mốc quan trọng sau đây:
Giai đoạn từ năm 2004 - 2007:
Đây là giai đoạn đất nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, sự bùng nổ công nghệ thông tin, công nghệ cao và Internet đã đặt ra những yêu cầu mới về vấn đề quản lý thông tin. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định thống nhất quản lý lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin từ Trung ương tới địa phương. Năm 2002, Bộ Bưu chính - Viễn Thông được thành lập. Ngày 24/12/2004, Sở Bưu chính, Viễn thông Phú Thọ được thành lập theo Quyết định số 4020/2004/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Sở có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin (CNTT), điện tử, Internet, truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện và cơ sở hạ tầng thông tin; quản lý dịch vụ công về Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.
Bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ mới trong bối cảnh chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về Bưu chính, Viễn thông trước đây nằm ở các doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông (còn gọi là Bưu điện tỉnh); hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa được bổ sung, hoàn thiện, lại không được thừa kế nền tảng quản lý, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ. Xác định rõ vai trò, vị trí của mình, Sở đã tập trung xây dựng các Quy hoạch, Kế hoạch phục vụ cho công tác phát triển ngành, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, góp phần khẳng định vị thế của ngành trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sở đã trình Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2005 - 2010, tầm nhìn đến năm 2015; chỉ đạo các doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin nhằm đảm bảo thông tin liên lạc và phục vụ nhu cầu xã hội.
Nắm bắt xu hướng phát triển công nghệ thông tin trong tỉnh và khu vực, ngày 27/3/2008 Trung tâm Công nghệ thông tin Tây Bắc - đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở đã được thành lập theo Quyết định số 801/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Đây là trung tâm vùng đầu tiên trong cả nước có chức năng, nhiệm vụ triển khai các dự án công nghệ thông tin; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong vùng Tây Bắc.
Giai đoạn từ năm 2008 - 2014:
Trước tốc độ phát triển như vũ bão của ngành viễn thông, công nghệ thông tin toàn cầu, yêu cầu về quản lý đối với lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Xu thế hội tụ truyền thông đa phương tiện đòi hỏi phải gắn kết nội dung và hạ tầng thông tin như hai mặt của sự phát triển. Ngày 27/7/2007, Bộ Thông tin và Truyền thông được thành lập trên cơ sở Bộ Bưu chính Viễn thông sáp nhập thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa, Thông tin (cũ). Ở tỉnh Phú Thọ, ngày 16/4/2008 Sở Thông tin và Truyền thông chính thức được thành lập theo Quyết định số 1024/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh Phú Thọ. Sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên 5 lĩnh vực: Báo chí, Xuất bản, Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin. Năm 2011 được bổ sung nhiệm vụ quản lý nhà nước về Thông tin đối ngoại. Năm 2013 được bổ sung nhiệm vụ quản lý nhà nước về Thông tin cơ sở, An toàn an ninh thông tin.
Với chức năng, nhiệm vụ trên, ngành Thông tin và Truyền thông được xác định là ngành quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; có những lĩnh vực nhạy cảm, quan trọng, ảnh hưởng đến tư tưởng, chính trị, an ninh và ổn định xã hội đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ; có những lĩnh vực dịch vụ, kỹ thuật, công nghệ đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn cao. Là một trong những ngành động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của ngành đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từ năm 2004 đến nay, bên cạnh việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Sở Thông tin và Truyền thông đã tập trung đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm gắn với địa phương, cơ sở.
Về công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thông tin và truyền thông:
Với phương châm “phát triển đi đôi với quản lý tốt”, trong 10 năm qua, Sở đã chủ động xây dựng, trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các Quy hoạch phát triển ngành thuộc lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin, Báo chí và Xuất bản. Tham mưu, đề xuất ban hành hệ thống văn bản Quy phạm pháp luật quy định về việc đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng và an ninh thông tin trong hoạt động Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; quản lý nội dung thông tin của đài truyền thanh cấp huyện và cấp xã; Đề án về tổ chức giải báo chí, thông tin đối ngoại, chương trình Mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở…Công tác tham mưu ban hành văn bản đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí của ngành thông tin và truyền thông; quản lý chặt chẽ, từng bước đưa các hoạt động thuộc lĩnh vực ngành đi vào nền nếp, củng cố hệ thống thông tin, truyền thông từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Về công tác chỉ đạo, định hướng và quản lý thông tin:
Công tác quản lý nhà nước về báo chí - xuất bản được tăng cường, vai trò chỉ đạo, định hướng thông tin của cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí được đề cao; đảm bảo và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử trên địa bàn tuân thủ đúng pháp luật. Phát huy hiệu quả vai trò của các thiết chế thông tin từ tỉnh đến cơ sở để chủ động thông tin rõ các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Qua đó, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; nâng cao nhận thức, tăng cường sự thống nhất tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; kịp thời phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội. Sở đã chủ trì, phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng như: hoạt động của Trung tâm báo chí phục vụ giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, Hội Báo Xuân, cuộc thi viết thư quốc tế UPU; triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Ký kết với Công an tỉnh Kế hoạch liên tịch về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động thông tin và truyền thông; với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện luân chuyển sách báo tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã, Dự án thí điểm “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” do quỹ Bill - Melinda Gates tài trợ. Phối hợp với Tỉnh đoàn Thanh niên tổ chức các kỳ thi tin học trẻ và tin học công chức trẻ. Thông tin liên lạc phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở; trong phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; trong diễn tập khu vực phòng thủ được thông suốt, kịp thời.
Về phát triển hạ tầng thông tin - truyền thông:
Hạ tầng thông tin - truyền thông từng bước được đầu tư hiện đại và đồng bộ. Đến nay, tỉnh đã có hệ thống báo chí với đầy đủ 4 loại hình, bao gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử; trên 40 cơ quan xuất bản bản tin và tài liệu không kinh doanh; Truyền hình Phú Thọ đã đảm bảo phủ sóng tới 100% địa bàn dân cư; 100% chính quyền cấp xã có báo đến trong ngày; tỷ lệ khu dân cư có loa truyền thanh đạt 95%. Tổng số trạm BTS đã lên tới 1.650 trạm, sóng di động phủ tới 100% các xã trong tỉnh. Mạng cáp quang đã kéo tới 100% trung tâm xã, phường, thị trấn. Tính đến hết năm 2014, thuê bao điện thoại đã đạt tới 157 máy/100 dân, trong đó điện thoại di động chiếm 90%; Internet băng rộng có thể cung cấp tới 100% xã trong tỉnh, đảm bảo đạt tỷ lệ 16 thuê bao/100 dân (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra)
Việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước được triển khai mạnh mẽ với 100% đơn vị đã có mạng LAN, kết nối Internet tốc độ cao; đã triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp huyện đảm bảo chất lượng, hiệu quả; trên 70% CB, CC sử dụng thư điện tử công vụ phục vụ công việc; 18 đơn vị có phần mềm QLVB&ĐH; 10 đơn vị đã ứng dụng phần mềm một cửa điện tử; 26 sở, ban, ngành, địa phương có trang thông tin điện tử tổng hợp; Cổng Giao tiếp điện tử tỉnh cung cấp 1.788 dịch vụ công trực tuyến giúp người dân và doanh nghiệp tra cứu thông tin thuận tiện... qua đó góp phần từng bước minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của các địa phương và của tỉnh.
Công tác điều tra, thống kê đánh giá hiện trạng thông tin - truyền thông nhằm xây dựng kho cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước, phát triển sự nghiệp được quan tâm, tăng cường. Sở đã triển khai tổng điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ Internet và nghe nhìn tỉnh Phú Thọ tại tất cả các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, cơ sở y tế, trường học, xã, phường, thị trấn trong tỉnh; thống kê hiện trạng hạ tầng các tuyến thư, hạ tầng bưu cục, tuyến cáp quang, trạm BTS, trung tâm viễn thông, cột ăng ten, cột phát sóng, dịch vụ truyền hình trả tiền; đánh giá hoạt động của các điểm BĐ-VHX. Rà soát, đánh giá mạng lưới báo chí trên địa bàn tỉnh; hiện trạng, hoạt động của hệ thống đài truyền thanh cơ sở; thống kê, đánh giá mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức đảng, đoàn thể nhằm từng bước đưa ứng dụng CNTT đi vào nền nếp, hoạt động hiệu quả.
Về nguồn nhân lực thông tin - truyền thông:
Nguồn nhân lực thông tin và truyền thông đã được quan tâm bổ sung và từng bước chuẩn hóa về chuyên môn nghiệp vụ theo từng năm. Đến nay, 100% sở, ban , ngành và UBND các huyện, thành, thị đã bố trí cán bộ chuyên trách về CNTT đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; 90% CB, CC có trình độ A, B về tin học; hơn 40 thạc sỹ, tiến sỹ về CNTT; hơn 60 người có chứng chỉ quản trị mạng Quốc tế. Hầu hết các đối tượng là lãnh đạo cấp phòng, chuyên viên các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể ở tỉnh, huyện; lãnh đạo, công chức cấp xã đã được tập huấn về CNTT. Nguồn nhân lực báo chí được bổ sung đội ngũ có trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, luôn xung kích đi đầu trên mặt trận tư tưởng. Hiện toàn tỉnh có 103 người được cấp thẻ nhà báo; trên 200 người phát ngôn và cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại thường xuyên được tập huấn về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại. Đội ngũ cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về công tác quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu thông tin của người dân địa phương.
Về huy động nguồn lực kết cấu hạ tầng KT-XH then chốt:
Tính đến hết năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 12 doanh nghiệp kinh doanh đầy đủ các dịch vụ viễn thông, gồm: di động, Internet và truyền hình trả tiền; 180 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT; 246 cơ sở in, phát hành, gia công vàng mã cho nước ngoài. Trong 10 năm qua, toàn ngành đã phối hợp cùng các ngành, các doanh nghiệp thực hiện 14 dự án trọng điểm, trên 40 chương trình, đề án, dự án thuộc các lĩnh vực của ngành với tổng số vốn huy động ước đạt trên 1,1 nghìn tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp viễn thông có vốn huy động lớn nhất 634,8 tỷ đồng; công nghệ thông tin 404,2 tỷ đồng; bưu chính 25,7 tỷ đồng; báo chí - xuất bản 50 tỷ đồng. Công tác đầu tư phát triển hạ tầng đảm bảo tuân thủ các quy định của tỉnh, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin của mọi tổ chức, công dân.
Về công tác tổ chức bộ máy:
Đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng nhiệm vụ trong từng giai đoạn, bộ máy tổ chức, biên chế của Sở cũng từng bước được hoàn thiện, củng cố và phát triển. Tháng 5 năm 2013, Trung tâm Cổng giao tiếp điện tử đã được thành lập theo Quyết định số 459/QĐ-UBND của UBND tỉnh Phú Thọ. Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ cung cấp các thông tin chính thức, được phép công bố về chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh; thực hiện các giao dịch dịch vụ hành chính công phục vụ các tổ chức, công dân; tích hợp cơ sở dữ liệu về lịch sử, tự nhiên, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông có 07 đơn vị quản lý nhà nước và 02 đơn vị sự nghiệp. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là 74 người; 07 người có trình độ thạc sĩ, 38 người trình độ đại học; 32 người trình độ lý luận chính trị cao cấp và trung cấp; 01 chuyên viên cao cấp, 03 chuyên viên chính. 100% CB, CC, VC làm việc trong môi trường mạng máy tính, mọi thông tin điều hành, chỉ đạo của Sở được thực hiện trên mạng Internet. Đội ngũ cán bộ đã được trải nghiệm qua thực tiễn công việc, từng bước nâng cao năng lực quản lý, bản lĩnh và kinh nghiệm nghề nghiệp, sẵn sàng làm chủ khoa học công nghệ và các lĩnh vực quản lý của ngành. Vai trò, vị thế của ngành ngày càng được khẳng định là ngành tác động vào sự phát triển của tất cả các ngành, lĩnh vực khác.
Cùng với việc kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy, tổ chức Đảng của Sở cũng không ngừng lớn mạnh. Từ khi còn là một chi bộ với tổng số chỉ 06 đảng viên, đến nay đã trở thành Đảng bộ cơ sở với tổng số 47 đảng viên. Trong những năm qua, Đảng bộ Sở Thông tin và Truyền thông luôn phát huy vai trò hạt nhân chính trị trong lãnh đạo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện tốt mọi chức trách nhiệm vụ được giao; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển sự nghiệp Thông tin và Truyền thông trong tình hình mới. Các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên luôn phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ trong việc tổ chức tập hợp đoàn viên thi đua lao động sáng tạo, tham gia xây dựng tổ chức đảng, cơ quan trong sạch, vững mạnh.
Với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên, trong 10 năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao và các ngành, các cấp ghi nhận.
Với những thành tích đó, Sở đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, được UBND tỉnh tặng Kỷ niệm chương Hùng Vương; được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua và Bằng khen; liên tục trong các năm từ 2007 - 2011 được Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Cờ thi đua cùng nhiều phần thưởng cao quý khác dành cho cá nhân các đồng chí lãnh đạo Sở, cán bộ, công chức của Sở vì đã nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong chặng đường 10 năm qua.
Trong giai đoạn mới, nhiệm vụ quản lý nhà nước về Thông tin và Truyền thông đòi hỏi tập thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Sở cần tiếp tục nỗ lực, tăng cường đoàn kết nhất trí, bám sát chiến lược phát triển Thông tin và Truyền thông của tỉnh, triển khai toàn diện, có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý của ngành, xây dựng Đảng, cơ quan, đoàn thể vững mạnh.